Cái tên Fabergé luôn đồng nghĩa với những cỗ máy đếm giờ, những món đồ trang sức vô cùng tinh tế và tinh xảo; và tất nhiên, càng không thể thiếu được những quả trứng huyền thoại. Nhưng có lẽ không có nhiều người biết rằng, những quả trứng huyền thoại đó lại được ra đời bởi một câu chuyện của tình yêu, sự đam mê, những bí mật và sự giàu có tột cùng!
Sự thành công của thương hiệu Fabergé – một trong những nhãn hiệu trang sức nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất của thế giới – đã được bắt đầu bằng một câu chuyện đơn giản nhưng xa hoa.
Để kỷ niệm ngày lễ Phục Sinh và cũng để kỷ niệm 20 năm ngày cưới của mình, năm 1885, Sa Hoàng Alexander III đã quyết định tạo ra một quả trứng trang sức độc đáo dành tặng cho vợ – Hoàng hậu Maria Feodorovna. Maria đã từng nhiều lần tâm sự với chồng mình rằng kể từ khi còn nhỏ, bà đã từng rất yêu thích một quả trứng bằng đá quý, của bà dì người Đan Mạch. Và nếu bạn biết rằng ở Nga, lễ Phục Sinh được xem là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Giáo hội Chính thống, nơi mọi người sẽ mang theo những quả trứng nhiều màu sắc (được tự tô màu bằng tay) vào nhà thờ để cầu phước và sau đó giới thiệu chúng với bạn bè và gia đình, bạn sẽ phần nào hiểu lý do Sa Hoàng Alexander III đã bí mật đặt hàng Peter Carl Fabergé tạo ra một quả trứng – một món quà lãng mạn – và quả trứng Imperial Easter đã được ra đời như thế.
Quả trứng Imperial đầu tiên, được xem là quả trứng tinh tế nhất tính đến nay, được biết đến với cái tên Hen Egg. Nó được chế tác bằng vàng, tráng men màu trắng bạc. ‘Vỏ trứng’ sẽ được mở ra để hé lệ bất ngờ đầu tiên của nó – một lòng đỏ bằng vàng. Bên trong lòng đỏ là một cô gà bằng vàng dát ngọc với đôi mắt đính hồng ngọc. Bên trong cô gà lại có 02 điều ngạc nhiên hơn: Một chiếc vương miện bằng kim cương và một sợi dây chuyền mặt hồng ngọc.
Sự hạnh phúc của Hoàng hậu đối với món quà bất ngờ và hấp dẫn với những món đồ tinh xảo ẩn chứa bên trong nó chính là điểm khởi đầu cho truyền thống thực hiện những quả trứng phục sinh đế vương (Imperial Easter Egges) hàng năm ở nơi đây và được tiếp tục kéo dài 32 năm (đến năm 1917). Đó là những món quà sang trọng và quyến rũ nhất trong ngày lễ Phục Sinh mà thế giới trước nay từng thấy.
Nói theo một cách nào đó, những quả trứng là món quà của cá nhân và toàn bộ những quả trứng ghi lại câu chuyện lãng mạn và bi thảm nhất, dẫn đến sự kết thúc của triều đại Romanov hùng mạnh.
Mỗi quả trứng là cả một kỳ công của nghệ thuật. Phải mất ít nhất một năm để hoàn thành cùng với sự tham gia của một đội ngũ có tay nghề cao – những con người làm việc trong bí mật lớn nhất. Fabergé được phép hoàn toàn tự do trong việc thiết kế và thực hiện, với điều kiện tiên quyết đó là: Phải tạo ra những bất ngờ bên trong mỗi sáng tạo.
Những quả trứng của Fabergé thường nói về mối quan hệ gia đình, các sự kiện trong cuộc sống Imperial Court hay những sự kiện quan trọng và thành tích của triều đại Romanov. Quả trứng Fifteenth Anniversary Egg năm 1911 để kỷ niệm 15 năm ngày Nicolas II lên ngôi và Romanov Tercentenary Egg 1913 để kỷ niệm 300 năm ngày gia đình Romanov trị vì, với những mô hình về các vị vua dưới triều đại.
Trong tổng số 50 quả trứng được làm cho gia đình Hoàng gia (kể từ năm 1885 đến 1916), 43 quả vẫn còn được lưu giữ lại cho đến ngày nay và được trưng bày ở một số bảo tàng lớn cũng như thuộc quyền sở hữu của tư nhân trên toàn thế giới. Riêng Nữ hoàng Anh sở hữu 03 quả Imperial Egg và là một phần của bộ sưu tập Hoàng gia. Một trong số đó là Mosaic Egg, được Sa Hoàng Nicolas II đặt làm tặng Tsarina Alexandra Feodorovna vào lễ Phục Sinh năm 1914. Bên trong quả trứng được nạm kim cương và hồng ngọc cùng mô hình 05 người con của Hoàng đế Nicolas II và Tsarina Alexandra Feodorovna. Nó đã được Vua George V mua lại với giá 250 bảng.
Nhưng Fabergé không phải chỉ là những quả trứng huyền thoại. Cái tên Fabergé còn là những chiếc đồng hồ và những món đồ trang sức tinh vi.
Những bộ sưu tập đồng hồ và trang sức hiện nay thường được lấy cảm hứng từ trong quá khứ – có sẵn ở những cửa hàng Fabergé ở New York và London, cũng như ở Harrods và vẫn có nhiều cặp đôi mua những sáng tạo của họ – như một sự minh chứng cho tình yêu.
Chiếc đồng hồ Fabergé Visionnaire DTZ là minh chứng của sự táo bạo và hiện đại những cúng phản ánh sự nổi tiến của các di sản Fabergé.
Fabergé đã giới thiệu thiết kế nam tính với phiên bản Fabergé Visionnaire I, lấy cảm hứng từ những quả trứng, tourbillion bay và mở rộng với múi giờ kép.
DTZ tự lên dây cót, áp dụng một phương pháp hợp lý và trực quan, hiển thị 02 múi giờ cùng một lúc và sử dụng một bezel mỏng; vấu được thiết kế phức tạp; mặt đồng hồ được thiết kế nhiều lớn và các bánh răng chuyển động cũng có thể nhìn thấy giữa các hình khối một dạng hoa hồng motif 3D ở trung tâm của đồng hồ. Có 02 phiên bản Fabergé Visionnaire DTZ – một phiên bản được làm bằng titan và vàng hồng 18 carat; trong khi phiên bản còn lại là DLC đen – xử lý titan và vàng trắng 18 carat – được cung cấp bởi Fabergé. Cả 02 phiên bản đều được đi kèm với dây đeo cá sấu.
Trong khi đó, Lady Compliquée Haute Horlogerie lại là bộ sưu tập đồng hồ dành cho nữ. bộ sưu tập là sự đề cao truyền thống bất ngờ và chế tạo tỉ mỉ của Peter Carl Fabergé với mặt đồng hồ độc quyền được Agenhor Manufacture phát triển cho Fabergé. Bộ sưu tập đã giành giải thưởng danh giá ở Grand Prix d’Horlogerie de Genève năm 2015 cho hạng mục giải thưởng cao nhất – High Mechanical. Mặt đồng hồ mô tả những nét đặc trưng nhất tại trung tâm mặt số. Mặt đồng hồ Lady Compliquee Winter được lấy cảm hứng từ quả trứng ‘Winter Egg’ năm 1913; trong khi mặt đồng hồ Lady Compliquee Peacock lại lấy cảm hứng từ quả trứng ‘Peacock Egg’ năm 1908 và có 04 biến thể màu sắc khác nhau với: màu lục bảo, hồng ngọc, sapphire và kim cương.