Linh hồn của những chiếc đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ

Mặt số đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ đã thay đổi và đi từ những thiết kế đơn giản trở thành những tác phẩm nghệ thuật nơi cổ tay!

Trong ngành chế tác đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ, hoặc sáng tạo hoặc “phơi xác”. Và điều này ngày càng được chứng minh rõ nét tại mặt số đồng hồ nơi luôn tập trung mọi ánh nhìn. Rất tự nhiên, các nhà thiết kế và các nghệ nhân chế tác đang thấy mình trên một đường đua biến mặt số thành các tác phẩm nghệ thuật di động. Ngay cả những người mua đồng hồ, họ cũng đang ngày một khó tính hơn. Đừng nghĩ rằng một thiết kế skeleton là đã đủ làm hài lòng những vị khách khó tính. Ngay cả những thiết kế skeleton nếu không đủ đặc biệt như Corum Golden Bridge Skeleton hay Rotonde de Cartier Flying Tourbillon Skeleton, vậy thì chưa chắc đã lấy lòng được họ. Cùng Tạp Chí Thời Gian khám phá lãnh địa mà các nhà chế tác đồng hồ đang chọn làm cuộc đua để chinh phục.

Kỹ nghệ chế tác đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ

Trên đường đua sáng tạo đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ này, ngay cả những kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi như chạm khắc (engraving), tráng men (enamelling), khảm đá quý và guilloche, tất cả đều đang trở nên cũ kỹ. Và phương pháp được ưa chuộng hiện nay là… kết hợp các phương pháp trên. Nhưng đó chỉ là một hướng tiếp cận. Một hướng khác là sử dụng các kỹ nghệ thất truyền được hồi sinh. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là kỹ nghệ kết hạt Etruscan. Hoặc sử dụng kỹ thuật vẽ aka-e truyền thống của Nhật như Hermès. Blancpain thì sáng tạo hơn khi chiêu mộ các kỹ nghệ sơn Nippon mới mẻ, sử dụng shakudo trên mặt đồng hồ của bốn chiếc đồng hồ métiers d’art (đồng hồ thủ công) của mình.

Hay một ví dụ khác là ứng dụng kỹ thuật shakudo với mẫu đồng hồ Villeret Shakudo Coelacanth của hãng đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ Blancpain. Mặt số đồng hồ được thực hiện theo cách kết hợp phương pháp shakudo với các kỹ thuật chạm khắc và nạm. Ở Nhật, shakudo là kỹ thuật được sử dụng trên kiếm báu, vật trang trí, và trang sức. Kỹ thuật này đòi hỏi kết hợp các kim loại đồng và vàng để tạo ra một hợp kim đặc biệt với màu sắc từ xanh tới đen. Sau khi có chất liệu shakudo, người nghệ nhân sẽ chạm các đường rãnh trên mặt đồng hồ. Người ta cũng cố định những chi tiết này trước khi khảm nạm các chi tiết khác. Cuối cùng người ta sẽ sử dụng một hoá chất có tên rokusho để tạo màu và độ sâu.

Trở lại với kỹ thuật Estrucan của Cartier. Hãng đã đưa kỹ nghệ này lên một tầm cao mới khi giới thiệu kỹ nghệ tráng men kết hạt thay vì kết hạt vàng như trước. Với mẫu Cartier Ballon Bleu de Cartier, các nghệ nhân đã phát triển kỹ nghệ tạo hình qua các hạt vàng thành tạo hình qua các hạt men sứ để tạo hiệu ứng thú vị tương tự. Men sứ được kéo giãn thành sợi mỏng, đục thành miếng nhỏ và tạo hình hạt tròn bằng các ống thổi, sau đó được sắp xếp tỉ mỉ lên mặt đồng hồ. Nghệ nhân sẽ phải chú ý đến việc không làm chảy men sứ vào bề mặt. Ngoài ra, cũng cần phải cẩn thận với nhiệt độ nóng chảy khác nhau của mỗi màu men sứ. Cần rất nhiều lần thổi lửa, một vài cái còn cần hơn 30 lần thực hiện. Tổng cộng cả quá trình mất một tháng để hoàn thành.

Nghệ thuật khống lửa của đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ

Nói tới tráng men phải nói tới kỹ thuật Grand Feu và nói tới kỹ thuật này phải nói tới Anita Porchet. Hermès giới thiệu mẫu đồng hồ Hermès Slim d’Hermès Pocket Panthère với sự kết hợp của 02 kỹ nghệ vô cùng cao cấp của giới chế tác đồng hồ là tráng men Grand Feu và chạm khắc. Để tạo hình cho con báo, Porchet phủ các bột men sứ khác nhau – trộn với dầu hoặc nước – bằng một cái chổi, sau đó luyện nóng mặt đồng hồ với nhiệt độ cao từ 800 đến 900 độ C để cố định màu. Hơn 25 lần luyện nóng là cần thiết để thổi hồn cho con mèo lớn. Phong cảnh được chạm khắc để làm nền tương phản cho con báo với độ chi tiết tới ngạc nhiên. Nhưng với một cái nhìn kĩ hơn bạn sẽ nhận thấy chất lượng 3D đáng kinh ngạc trên bề mặt khung cảnh gồ ghề, nhờ vào kỹ thuật matte và đánh bóng gia công để tái hiện lại sự tác động giữa bóng tối và ánh sáng.

Một ví dụ khác cho việc lựa chọn mặt số đồng hồ làm sân chơi của sự sáng tạo là Romain Jerome. Nếu như trong quá khứ hãng đồng hồ này gây ấn tượng với những chiếc đồng hồ có vỏ được làm từ thép tàu titanic, bụi mặt trăng, dung nham núi lửa thì định hướng mới của thương hiệu này là biến những chiếc đồng hồ thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại với chủ đề được lựa chọn tới từ những trò chơi điện tử. Bởi chúng ta đều biết trò chơi điện tử Mario là đứa con của kỷ nguyên 8bit với hình ảnh được tạo ra từ các pixel nên kỹ nghệ chế tác mặt số đồng hồ cũng phải được thực hiện để thể hiện điều này. Lựa chọn của các nghệ nhân là một kỹ thuật tạo ra 03 lớp nhằm mang tới cho đồng hồ những hiệu ứng pixel. Mặc dù thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng cần nhớ rằng các lớp màu của mặt số cũng được thực hiện bởi kỹ thuật enamel và còn thách thức hơn nữa khi các tạo hình phải được tạo ra bởi các chấm màu.